Các thang đo trong nghiên cứu đóng góp của vốn xã hội vào các hoạt động của doanh nghiệp BĐS bao gồm thang đo vốn xã hội và các nhóm hoạt động của doanh nghiệp. Các thang đo được xây dựng theo phương pháp như sau:
Từ lược khảo lý thuyết ở Chương 2 đã xác định được cấu trúc của vốn xã hội (bao gồm chất lượng của mạng lưới quan hệ của lãnh đạo, bên ngoài và bên trong doanh nghiệp) và các hoạt động trong doanh nghiệp BĐS (bao gồm hoạt động đầu vào, sản xuất và đầu ra). Căn cứ vào đó để thiết kế dàn bài thảo luận tay đôi phục vụ cho nghiên cứu định tính lần thứ nhất (xem phụ lục 1) với đối tượng và phương pháp chọn mẫu như sau: (1) Mẫu được thực hiện trên các lãnh đạo doanh nghiệp thuộc các loại hình doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài và ngoài nhà nước (xem danh sách chuyên gia phụ lục 2); (2) Cỡ mẫu không giới hạn cho đến khi còn phát hiện các vấn đề mới. Thông tin thu thập được mô tả, phân loại và kết nối các khái niệm để hình thành thang đo theo cách thức sau: Hình thành thang đo vốn xã hội: Các thông tin thu thập từ thảo luận tay đôi giúp định hình cấu trúc của các mạng lưới quan hệ của lãnh đạo, bên ngoài và bên trong doanh nghiệp BĐS. Kết hợp các khái niệm trong cấu trúc được mô tả với các đặc trưng biểu hiện chất lượng của mối quan hệ để hình thành các thang đo vốn xã hội của lãnh đạo, bên ngoài và bên trong doanh nghiệp BĐS. Hình thành thang đo các hoạt động của doanh nghiệp: Từ việc phân loại các hoạt động của doanh nghiệp BĐS theo ba nhóm hoạt động đầu vào, sản xuất và đầu ra. Kết hợp với sự ghi nhận về mong đợi của lãnh đạo doanh nghiệp BĐS trong các nhóm hoạt động này để hình thành thang đo. 3.2.2 Phương pháp đánh giá sơ bộ thang đo
Các thang đo được xây dựng dựa trên liên hệ lý thuyết và nghiên cứu định tính đã đảm bảo giá trị nội dung, nhưng chưa khẳng định được độ tin cậy nên cần được đánh giá sơ bộ trước khi thực hiện nghiên cứu chính thức. Việc đánh giá được thực hiện dựa trên dữ liệu nghiên cứu 150 giám đốc doanh nghiệp BĐS được chọn
theo phương pháp phân tầng phi xác suất (phân theo loại hình sở hữu doanh nghiệp) tại thành phố Hồ Chí Minh). Mục tiêu của bước này là sàng lọc các biến nghiên cứu quan sát dùng để đo lường các khái niệm nghiên cứu đã đề cập trong khung phân tích của luận án. Các biến quan sát đạt yêu cầu dùng để đưa vào bản câu hỏi sử dụng cho nghiên trường hợp điển hình. Mặt khác, qua đánh giá sơ bộ cũng xác định lại cấu trúc của các khái niệm rõ ràng hơn, dùng làm căn cứ để nghiên cứu định tính lần thứ hai, nhằm khám phá mối quan hệ giữa vốn xã hội và các hoạt động của doanh nghiệp BĐS, từ đó hình thành các giả thuyết và mô hình nghiên cứu.
Hai công cụ sử dụng trong nghiên cứu định lượng sơ bộ là hệ số tin cậy (Cronbach’s alpha) và phân tích nhân tố khám phá (EFA). Hệ số Cronbach’s alpha được sử dụng để loại các biến không phù hợp khi chúng có hệ số tương quan biến tổng (Item – total correlation) nhỏ hơn 0,35 và tiêu chuẩn chọn thang đo khi nó có hệ số tin cậy (Cronbach’s alpha) lớn hơn 0,6 (Hair & các tác giả, 1998). Tuy nhiên, theo Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang (2008) thì nếu hệ số tin cậy Cronbach’s alpha >0,95 thì cũng không tốt vì các biến đo lường hầu như là một.
Tiếp theo, phương pháp EFA được sử dụng để loại đi các biến quan sát có trọng số tải (factor loading) nhỏ hơn 0,5. Phương sai trích hệ số sử dụng (princical components) với phép quay vuông góc (varimax) và điểm dừng khi trích các yếu tố (eigenvalue) bằng 1. Thang đo được chấp nhận khi tổng phương sai trích bằng hoặc lớn hơn 50% và trọng số nhân tố lớn nhất từ 0,5 trở lên (Gerbing & Anderson, 1988).Hệ số KMO nằm trong khoảng 0,5≤KMO≤1 thì có thể xem phân tích nhân tố là thích hợp. Kiểm định Bartlett có mức ý nghĩa nhỏ hơn 0,05 thì có thể xem các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể(Gerbing & Anderson, 1988). 3.2.3 Phương pháp phát triển giả thuyết và mô hình nghiên cứu
Đánh giá sơ bộ thang đo đã định hình lại cấu trúc của các khái niệm nghiên cứu. Tiếp theo là dựa vào cấu trúc thang đo để định nghĩa lại các khái niệm vốn xã hội và các hoạt động của doanh nghiệp để khám phá giả thuyết nghiên cứu. Các giả thuyết nghiên cứu được xây dựng bằng cách liên hệ lý thuyết và nghiên cứu định
tính lần thứ hai với công cụ thảo luận tay đôi, dàn bài thảo luận bao gồm các nội dung như sau:
(1) Giới thiệu về mục đích nghiên cứu.
(2) Định nghĩa các khái niệm vốn xã hội của lãnh đạo, bên trong, bên ngoài doanh nghiệp; và khác khái niệm về hoạt động đầu vào, sản xuất và đầu ra của doanh nghiệp BĐS. Phần này được xây dựng dựa trên kết quả của đánh giá sơ bộ thang đo.
(3) Thảo luận về mối liên hệ giữa các thành phần của vốn xã hội với từng nhóm hoạt động của doanh nghiệp để hình thành mô hình nghiên cứu với các giả thuyết về đóng góp của vốn xã hội vào các hoạt động của doanh nghiệp.